Việt Nam dùng chính sách visa để duy trì sức thu hút đối với du khách quốc tế
Ngành du lịch Việt Nam đang trở lại gần với mức của thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Để tiếp tục thu hút du khách quốc tế, chính phủ Hà Nội thi hành một chính sách visa cởi mở hơn, thể hiện qua việc triển hạn biện pháp miễn visa 45 ngày cho công dân từ 12 quốc gia, trong đó có Pháp. Du lịch thế giới đang trên đà phục hồi. Theo ước tính do Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc công bố, 1,4 tỷ người đã đi du lịch nước ngoài vào năm ngoái, tăng 11% so với năm 2023, trở lại với mức kỷ lục của năm 2019, trước đại dịch Covid, do nhu cầu du lịch tăng cao, đặc biệt là ở châu Âu và châu Á. Số lượng các chuyến đi quốc tế dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2025, ở mức "3 đến 5%" so với năm 2024. Riêng ngành du lịch Việt Nam năm 2024 đã hồi phục gần như hoàn toàn khi đón tổng cộng 17,6 triệu lượt khách quốc tế, gần bằng mức 18 triệu của năm 2019, tức là thời kỳ trước khi đại dịch Covid bùng phát. Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế. Trước mắt, trong hai tháng đầu năm, gần 4 triệu lượt khách đã đến Việt Nam, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cho thấy Việt Nam đang trở lại thành một trong những điểm đến ưa thích của du khách từ nhiều nước. Vào ngày 24/11/2024 tại Madeira (Bồ Đào Nha), Việt Nam đã được trao giải thưởng Điểm đến tốt nhất Châu Á tại lễ Giải thưởng Du lịch Thế giới 2024, được coi là giải Oscar của ngành du lịch toàn cầu. Đây là lần thứ sáu Việt Nam giành được danh hiệu này và là lần thứ ba liên tiếp. Việt Nam cũng đã đặt biệt thu hút du khách từ Pháp. Tổ chức Entreprises du voyage, đại diện cho 3.500 chuyên gia về du lịch và hơn 1.600 hãng du lịch, vừa qua đã công bố kết quả khảo sát cho thấy là trong mùa đông vừa qua, Việt Nam là một trong 20 điểm đến hàng đầu của khách Pháp, tuy xếp hạng 19 nhưng với số khách tăng thêm gần 50%.Trả lời RFI tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Paris, khai mạc ngày 13/03/2025, ông Nguyễn Xuân Hải, giám đốc của La Palanche Voyages, chuyên tổ chức các tour du lịch cho khách nói tiếng Pháp đến Việt Nam cũng như đến các nước láng giềng Lào, Cam Bốt, Miến Điện, ghi nhận:"Lượng khách tăng khá là nhiều. Tất nhiên còn kém một chút so với thời kỳ trước Covid, nhưng công việc thì nhiều hơn. Tại vì trước Covid, khách đi theo đoàn rất là nhiều, ví dụ như 1.000 khách thì mỗi đoàn chia ra 20 đến 30 người, 30 đoàn thì chỉ cần 30 hướng dẫn viên. Nhưng vừa rồi, do vé máy bay giá theo đoàn và giá lẻ không chênh nhau nhiều, mà khách đi lẻ thì được tự do hơn, cho nên người ta chia nhỏ ra rất nhiều. Vì vậy hiện nay trong nước, nhất là đối với khách Pháp của chúng tôi, rất thiếu hướng dẫn viên tiếng Pháp. Nhiều khi, với những khách mua trễ, chúng tôi phải nói trước với họ là không còn hướng dẫn viên tiếng Pháp nữa, xin họ vui lòng đi với hướng dẫn viên tiếng Anh, hoặc là chúng tôi sẽ hỗ trợ từ xa qua điện thoại, có nghĩa là chỉ làm chương trình giúp và họ tự đi với tài xế của chúng tôi. Đó là tình hình năm vừa rồi. Nói chung rất là tốt."Với hy vọng tiếp tục duy trì sức thu hút đối với du khách quốc tế, chính phủ Hà Nội ngày 07/03 đã thông báo quyết định là công dân đến từ 12 nước, chủ yếu là châu Âu ( Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh Quốc và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan ), sẽ tiếp tục được miễn thị thực đến năm 2028 với thời gian tạm trú 45 ngày tính từ ngày nhập cảnh. Trên nguyên tắc biện pháp này hết hạn kể từ ngày 15/03. Ông Nguyễn Xuân Hải, giám đốc của La Palanche Voyages, cho biết việc nâng số ngày miễn visa từ 15 lên 45 ngày đối với 12 nước, trong đó có Pháp, tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho du khách, cũng như cho các công ty du lịch: "Cách đây hai năm chỉ miễn visa 15 ngày, nên tất cả các công ty chỉ làm các tour hạn chế trong 15 ngày thôi. Bây giờ thì được 45 ngày, thì khi được 45 ngày, có thể người ta đến Việt Nam chỉ 15 ngày thôi, nhưng người ta có thể tiến, lùi ngày để có được vé máy bay tốt hơn, phù hợp với khả năng chi trả của người ta hơn. Miễn visa 45 ngày là cả một bước đột phá lớn.Hơn nữa, công ty chúng tôi là chuyên đón khách Pháp. Khách Pháp nổi tiếng là rất chịu khó đi sâu, đi xa. Trước đây, họ thường hỏi chúng tôi làm cách nào đi đến chổ này, chổ nọ. Nhưng nhìn lại chương trình thì họ thấy đi như thế thì sẽ mất những điểm bắt buộc phải qua, cho nên họ không thể bỏ qua những điểm đó để đi đến những chổ mới.Nay có đến 45 ngày miễn visa, giống như là chúng ta đang “thừa giấy vẽ voi”. Chúng tôi sẽ có thể vẽ ra những con voi rất sinh động, đưa được khách đến những vùng xa hơn, sâu hơn, đến những nơi mà theo chúng tôi còn nguyên bản hơn, gọi là authenticité”Nhưng ông Nguyễn Xuân Hải nêu lên một bất công đối với du khách nói tiếng Pháp đến từ hai nước láng giềng của Pháp là Bỉ và Thụy Sĩ trên vấn đề visa:"Người Bỉ nói tiếng Pháp, người Thụy Sĩ nói tiếng Pháp, thế mà trước đây họ không được miễn visa. Thật là đáng tiếc, vì mức chi tiêu của khách Bỉ, khách Thụy Sĩ có thể cao hơn khách Pháp nhiều. Khi có tiền nhiều, người có thể nổi hứng đi chơi bất kỳ lúc nào, mà hạn chế về visa là hạn chế rất là lớn. Rất may là từ tháng 3, Việt Nam đã miễn visa cho người Thụy Sĩ, nhưng đối với người Bỉ thì chưa.Tất nhiên đây là vấn đề liên quan đến quan hệ quốc tế, tôi không dám đi sâu vào, nhưng tôi nghĩ chính sách visa đối Bỉ, Thụy Sĩ và các nước chung quanh nên được làm tối đa"Đầu năm nay, công dân từ các nước Ba Lan, Cộng Hòa Séc và Thụy Sĩ cũng được miễn visa, quy định được áp dụng từ 1/3 đến 31/12/2025. Trước đó, tại phiên họp của chính phủ ngày 5/3, thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao cho Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchnghiên cứu chính sách visa “phù hợp”, để đa dạng hóa việc miễn visa với một số quốc gia, một số đối tượng như các tỷ phú trên thế giới. Nhưng làm gì thì làm, mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế mà Việt Nam đặt ra cho năm 2025 vẫn còn khiêm tốn so với Thái Lan. Nhờ thi hành chính sách thị thực cởi mở từ nhiều năm qua, Thái Lan vẫn là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế. Thái Lan hiện miễn thị thực 60 ngày cho công dân của 93 quốc gia và tăng số quốc gia được cấp thị thực tại cửa khẩu (visa on arrival) từ 19 lên 31 nước trong năm nay. Nhờ vậy mà trong năm qua, Thái Lan đã đạt được mục tiêu đón gần 37 triệu lượt khách quốc tế Riêng thủ đô Bangkok đứng đầu thế giới về lượng khách quốc tế đến, đạt con số kỷ lục 32,4 triệu người trong năm 2024, theo báo cáo thường niên của Euromonitor International, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu có trụ sở tại Anh.Chính sách visa chỉ là một trong những công cụ để thu hút du khách quốc tế. Để họ quay lại nhiều lần và chi tiêu nhiều hơn, ngành du lịch Việt Nam còn phải cải thiện chất lượng dịch vụ, mang đến cho du khách các trải nghiệm tốt nhất. Riêng giám đốc công ty La Palanche Voyages Nguyễn Xuân Hải, một người sinh trưởng ở Hà Nội và công ty cũng đặt trụ sở Hà Nội, có một góp ý về quản lý các điểm du lịch ở thủ đô Việt Nam: "Có những việc mà người ta cứ không quản lý được thì cấm. Ví dụ như là trong quá khứ gần, đã nhiều lần Hà Nội cấm du khách đến phố gọi là “phố đường tàu”, vì lý do nguy hiểm, vì lý do này nọ. Đồng ý, nhưng cái chính là vì họ chưa quản lý được, hoặc là không quản lý được, cho nên họ cấm và đấy là một điều thiệt thòi. Phố đường tàu là chặng mà rất nhiều du khách đến, tức là đoạn từ Hà Nội về phía bắc, tới ga Lào Cai, Lạng Sơn, là đường tàu cổ nhất Đông Dương, đi qua cầu Long Biên, một trong những cây cổ duy nhất trong Hà Nội, mà mọi người rất thích đến khám phá. Lẽ ra phải phát triển nó, quản lý nó tốt hơn, chứ không phải là cấm nó.Tôi tính nhanh như thế này: Nếu nhìn lịch tàu thì một ngày có khoảng 10 chuyến tàu đi từ Hà Nội về phía bắc, cả đi và về nhiều lắm là 20 chuyến, mỗi chuyến đi qua phố đường tàu chỉ mất từ 5 đến 10 phút, chả đáng bao nhiêu cả để mà cấm cả một chặng phố không cho khách đi vào, làm cho chúng tôi bị hạn chế trong việc cho du khách tìm được những góc sâu, xa và đặc thù, đặc biệt hơn của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung."